Chuyển đến nội dung chính

Phiên dịch ngoại giao không hề đơn giản

Trong thời tiết những ngày Hè nắng nóng đỉnh điểm tại Hà Nội vừa qua có thể làm nhụt chí học tập của bất cứ ai, thì với 50 học viên khóa học Bồi dưỡng Kỹ năng Biên - Phiên dịch 2018 – sự mới mẻ, hấp dẫn của khóa học đã khiến họ quên đi tất cả.

Nói đến các khóa bồi dưỡng kiến thức, người ta dễ hình dung đến các buổi học khô khan, một chiều và chẳng mấy mặn mà với nó. Vậy, Trung tâm Biên phiên dịch – Bộ Ngoại giao phải làm gì khi một trong những nhiệm vụ quan trọng của mình là thường xuyên tổ chức các khóa bồi dưỡng ngoại ngữ cho các cán bộ, công chức công tác tại các sở ngoại vụ và các đơn vị có nhiệm vụ đối ngoại tại nhiều địa phương trên cả nước?

Lớp học thành... hội nghị

Đó là một khái niệm lạ và khá trừu tượng với bất cứ ai chưa được trực tiếp tham gia vào lớp học. Đây là một lớp bồi dưỡng tiếng Anh nằm trên tầng 5 tòa nhà 7 tầng của Học viện Ngoại giao. Nếu bên ngoài hành lang là sự yên tĩnh đến vắng lặng thường thấy trong những ngày Hè, thì bên trong các lớp học, những “hội nghị thu nhỏ” đang diễn ra vô cùng sôi nổi.

Giải thích với tôi điều này, ông Dương Nguyễn Quốc Vinh (Phó Giám đốc Trung tâm Biên phiên dịch Quốc gia) – là giảng viên trực tiếp tại lớp học cho biết: “Các thành viên trong lớp đang tham gia vào một tình huống giả định có thể diễn ra trong hoạt động đối ngoại của địa phương. Cụ thể, hôm nay các học viên lớp tiếng Anh này đang thực hành các kỹ năng phiên dịch trong tình huống Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh tiếp Chủ tịch Hội đồng thành phố London (Anh) đến thăm và làm việc tại tỉnh”.

Quang cảnh Hội nghị giả định tại Khóa học. (Ảnh: KN)

 

Chứng kiến các các giảng viên và các học viên đến từ các tỉnh thành khác nhau đang miệt mài “nhập vai”, từ vai Chủ tịch tỉnh, vai Chủ tịch Hội đồng thành phố và các vai dẫn chương trình, đại diện phía địa phương và phía khách quốc tế... Để tiến hành kịch bản này, các học viên đã phải dày công chuẩn bị tài liệu và phát biểu của các bên như một tình huống thực tế. Mỗi học viên đảm nhận một vị trí để hiểu hết những công việc mà một vị trí phiên dịch cần làm trong một sự kiện đối ngoại. Thậm chí, khi Hội nghị đang diễn ra, có một tình huống ngoài kịch bản đó là Chủ tịch UBND tỉnh xin cáo lỗi do phải giải quyết một tình huống đột xuất và người tiếp thay là Phó Chủ tịch tỉnh để các học viên tập xử lý tình huống.

Sau hơn 3 giờ diễn ra sôi nổi, các bên phân tích, trình bày về các tiềm năng, thế mạnh cũng như các cơ hội hợp tác giữa hai địa phương, hội nghị chuyển sang phần tặng quà, chụp ảnh lưu niệm và tiệc chiêu đãi... Học viên Nguyễn Ngọc Lan Chi (Ban Điều phối Dự án Tam nông – TNSP, tỉnh Tuyên Quang) chia sẻ: “Khóa học này được thiết kế dựa trên yêu cầu thực tế đối với công việc ngoại vụ của các địa phương. Trong sự kiện giả định này, tôi đóng vai người chịu trách nhiệm việc biên dịch các tài liệu dự án, thư từ, công văn trao đổi giữa các bên... Cá nhân tôi thấy, những nội dung và kỹ năng thực hành trong suốt khóa học cũng như Hội thảo mẫu mô phỏng rất sát công việc hàng ngày của mình. Chính vì gần với thực tiễn công việc nên những tình huống đưa ra thực sự giúp tôi nhìn lại bản thân, mình đã làm tốt những gì và cần phải cải thiện gì...

Nữ học viên đến từ Tuyên Quang này cũng cho biết, các giảng viên đều là các phiên dịch dày dạn kinh nghiệm thực tế với số lượng các buổi tác nghiệp là đủ lớn để nắm được tinh thần và phương thức của các buổi làm việc ngoại giao. “Tôi nghĩ, vì lí do đó, các thầy, cô giảng viên khi đóng vai trò diễn giả/ lãnh đạo đơn vị đều rất tròn vai, thể hiện đúng phong cách của nhân vật trong thực tế. Với trải nghiệm của cá nhân, tôi có cảm giác mình đang đi dịch cho một lãnh đạo địa phương thực sự, trong một buổi tiếp xúc thực sự, có đầy đủ những áp lực cần thiết. Tôi học hỏi được rất nhiều trong các buổi dịch như vậy”.

Kiến thức căn bản trên hành trình dài

Đánh giá về các khóa đào tạo Kỹ năng biên – phiên dịch, ông Phạm Bình Đàm, Giám đốc Trung tâm Biên phiên dịch Quốc gia (Bộ Ngoại giao) cho biết, khóa học đã đảm bảo được tiêu chí trên 70% thực hành đặt ra đối với chương trình. Trên thực tế, trong 40 buổi đã có 30 buổi thực hành, chiếm tỷ lệ 75%. Tỷ lệ thực hành này được duy trì từ 4 năm trở lại đây. Đây là sự điều chỉnh có hiệu quả, duy trì được chất lượng học, đồng thời tạo thuận lợi hơn cho học viên tham gia lớp.

Đa số các học viên tham gia khóa học theo mô hình mới này đều cho rằng, việc học đi đôi với hành trong đào tạo kỹ năng biên phiên dịch đã giúp họ có cơ hội trải nghiệm công việc của một phiên dịch chuyên nghiệp. (Ảnh: KN)

 

Theo ông Phạm Bình Đàm, điểm nổi bật của khóa học năm nay là mỗi tuần học được thiết kế gắn với một chủ điểm cụ thể, nhằm đem lại cho học viên cảm nhận sát thực nhất về nhiệm vụ và kỹ năng cần thiết của một phiên dịch đối ngoại. Đặc biệt, cùng với sự hỗ trợ của giảng viên, các học viên sẽ trực tiếp xây dựng nội dung các tài liệu mẫu để thực hiện kịch bản thi kết thúc khóa học.

Đồng quan điểm này, bà Phạm Thị Kim Yến (Trưởng Phòng tiếng Pháp, Trung tâm Biên phiên dịch – Bộ Ngoại giao) cho biết: “Có thể nói, sau những khóa học kéo dài 12 tuần như thế này, kỹ năng của các học viên đã cải thiện rất nhiều. Nói như vậy không có nghĩa là trình độ ngoại ngữ của các học viên “lột xác” chỉ sau một khóa học bởi học ngoại ngữ là cả một quá trình dài. Tuy nhiên, qua khóa học, các học viên đã được trang bị những kỹ năng để thực hành nghề phiên dịch. Chẳng hạn, đầu khóa học, nhiều học viên còn suy nghĩ đơn giản rằng phiên dịch chỉ là chuyển ngữ từ tiếng A sang tiếng B. Tuy nhiên, sau 12 tuần học tập, các em đã hiểu phiên dịch là cả một quá trình xử lý thông tin để cho ra được thông tin chính xác và thông điệp”.

Bà Kim Yến cho rằng, các học viên cần hiểu rằng, người làm công tác phiên dịch không chỉ biết một ngoại ngữ mà cần phải trang bị kỹ năng tổng hợp, đó là khả năng nghe, nhớ và thể hiện được không chỉ trọn vẹn thông điệp mà còn cả cảm xúc của người nói. “Qua buổi thi bằng hội thảo mẫu, tôi thấy các học viên đã nắm được, làm chủ được kỹ năng nhất định, kỹ năng nhớ ngắn hạn và khả năng thể hiện tự tin, thuyết phục, lược bỏ những thói quen không tốt của người phiên dịch. Qua đó, các học viên biết khoảng lùi để đưa ra được thông điệp trơn tru, mượt mà hơn”.

Đa số các học viên tham gia khóa học theo mô hình mới này đều cho rằng, việc học đi đôi với hành trong đào tạo kỹ năng biên phiên dịch đã giúp họ có cơ hội trải nghiệm công việc của một phiên dịch chuyên nghiệp: áp lực, thử thách và rất thú vị. Môi trường như vậy đòi hỏi các học viên phải thực sự tập trung, vận dụng kiến thức nền, tiếng nền một cách linh hoạt cùng với một thái độ học tập hết sức nghiêm túc. Bên cạnh đó, việc giao lưu và kết nối với các đồng nghiệp từ các địa phương khác cũng là một trong những lợi ích lớn mà khóa đào tạo mang lại.

Đi tìm học viên cho lớp học “hạt giống”

Sẽ không quá lời khi nói rằng, các khóa bồi dưỡng kỹ năng biên – phiên dịch chính là môi trường lý tưởng để phát hiện những “hạt giống” tốt trong công tác này, nhằm lựa chọn học viên chất lượng cao cho các lớp đào tạo chuyên sâu tiếp theo.

Ông Dương Nguyễn Quốc Vinh chia sẻ rằng, trong thời gian tới, Trung tâm Biên phiên dịch Quốc gia sẽ triển khai đào tạo kỹ năng biên phiên dịch chuyên sâu đối với các học viên xuất sắc được lựa chọn từ các khóa học. “Năm 2017, chúng tôi đã tổ chức một lớp đào tạo chuyên sâu như vậy với hai kỹ năng chính là thuyết trình và dịch đuổi bằng tiếng Anh. Đây là hai kỹ năng quan trọng đối với cán bộ ngoại vụ địa phương vì hiện nay, hoạt động tiếp các đoàn nước ngoài và đi thăm các địa phương nước ngoài của lãnh đạo các địa phương diễn ra rất thường xuyên. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ tăng cường kết nối các cán bộ ngoại vụ qua không gian mạng để cùng trao đổi kinh nghiệm biên phiên dịch, kinh nghiệm học thuật...” – ông cho biết.

Lãnh đạo Trung tâm Biên phiên dịch Quốc gia (Bộ Ngoại giao) chụp ảnh lưu niệm cùng các giảng viên và một số học viên của khóa học. (Ảnh: Trung Hiếu)

 

Bịn rịn chia tay các bạn học sau một khóa học đầy thú vị, học viên Phan Trần Thế Phụng (chuyên viên Sở Ngoại vụ Bà Rịa – Vũng Tàu) cảm thấy khá tiếc nuối khi 12 tuần trôi qua quá nhanh: “Trải qua một thời gian rèn luyện ngắn hạn tại một trong những ngôi trường nổi tiếng tại Việt Nam về đào tào ngành ngoại giao, tôi mới nhận ra việc truyền tải thông điệp, cảm xúc của người nói đóng vai trò quan trọng như thế nào trong kỹ năng biên - phiên dịch. Trong thế giới phẳng hiện nay, nhu cầu nhân lực biên - phiên dịch phục vụ công tác đối ngoại của các địa phương là rất lớn.

Có thể nói, sự chủ động của Trung tâm Biên phiên dịch trong việc mang đến một màu sắc mới, thổi luồng gió mới vào các khóa bồi dưỡng, giúp học viên cảm thấy tự tin hơn và bản lĩnh hơn trong việc đảm nhiệm các công việc liên quan đến đối ngoại khi trở về địa phương. Nói như giảng viên Phạm Thị Kim Yến, để phát huy những kiến thức đã được lĩnh hội sau khóa học, khi trở về địa phương, các học viên cần không ngừng củng cố ngôn ngữ, mạnh dạn bám vào việc, lao vào việc... để có cơ hội rèn luyện và tiến bộ hơn.

 

Theo Báo Quốc Tế



Nguồn: Dịch Thuật Phương Đông - Feed https://ift.tt/2Jh71ss
Bởi: Dịch Thuật Phương Đông

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Dịch giấy khai sinh sang tiếng Nhật

Dịch giấy khai sinh sang tiếng Nhật : Nhận dịch các giấy tờ tùy thân sang tiếng Nhật như: Sổ hộ khẩu, CMND, giấy khai sinh, bảng điểm, học bạ,… nhanh chóng, chính xác, giá rẻ và toàn Quốc. Liên hệ ngay với chúng tôi. GỌI NGAY   HOTLINE: 0964 333 933 Lý do cần dịch giấy khai sinh sang tiếng Nhật Giấy khai sinh là một loại giấy tờ tùy thân được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền tại mỗi nước để xác nhận sự hiện diện về mặt pháp lý của một cá nhân sau khi được sinh ra và sẽ được sử dụng thường xuyên trong tương lai để thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan như học tập, xin việc, đăng ký, … Cũng như ở Việt Nam các giấy tờ tài liệu bằng tiếng nước ngoài trong hồ sơ đăng ký hộ tịch phải được dịch sang tiếng Việt hoặc tiếng Anh theo quy định thì ở Nhật Bản các giấy tờ tùy thân của bạn của người nước ngoài cũng phải được dịch sang tiếng Nhật Bản và được công chứng tư pháp. Mẫu giấy khai sinh dịch sang tiếng Nhật Dịch giấy khai sinh sang tiếng Nhật ở đâu? Dù bạn ở bất kỳ

Học phiên dịch tiếng Anh online bài 2: Public speaking

Trong bài học này chúng ta cùng học cách phiên dịch tiếng Anh tại hội thảo trước rất nhiều khán giả. Phiên dịch viên sẽ phải ghi chép các thông tin quan trọng và dịch ngay sau khi diễn giả thuyết trình xong. Nguồn: Dịch Thuật Phương Đông - Feed https://ift.tt/2E3OH76 Bởi: Dịch Thuật Phương Đông

Tổng hợp mẫu bản dịch tiếng Anh giấy khai sinh theo từng giai đoạn

Giấy khai sinh là một giấy tờ quan trọng với mỗi công dân Việt Nam. Vì đây chính là giấy tờ hộ tịch gốc được lập ra đầu tiên của mỗi người. Từ năm 1975 đến nay, đã có rất nhiều mẫu giấy khai sinh khác nhau được ban hành. Tương ứng với mỗi bản gốc là các bản dịch tiếng Anh khác nhau. Các bản dịch giấy khai sinh tiếng Anh rất hữu ích trong quá trình làm thủ tục sao y với các cá nhân, cơ quan nước ngoài hoặc bổ sung trong hồ sơ xin visa đi du học . Phương Đông xin gửi đến mọi người các mẫu bản dịch tiếng Anh giấy khai sinh theo từng năm bên dưới. Giấy khai sinh là gì? Khoản 6 Điều 4 Luật Hộ tịch năm 2014 có quy định “ Giấy khai sinh là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân khi được đăng ký khai sinh”. Nội dung của giấy khai sinh là các thông tin cơ bản như ngày sinh, cha mẹ, quê quán của một cá nhân. Đầy là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân và có giá trị pháp lý trong nhiều thủ tục hành chính sau này. Giấy khai sinh tiếng anh là gì? Giấy khai sinh khi dịch sang t